RSS

Hành Trình Chinh Phục “Nóc Nhà Đông Dương” (4)

15 Th10

Tuliphantragiang

Ký Sự Sapa
Viết Tặng Các Con Thương Yêu!

Đêm Trên Đỉnh Gió Lùa …Trại Hai -2800m
(6 giờ tối ngày 6 tháng 8, 2010)

Khoảng 6 giờ chiều, khi ánh nắng cuối ngày tạm chia tay bầu trời, tất cả khách leo núi dời chân khỏi bếp lửa hồng ấm áp. Chúng tôi tụ tập trong túp lều hết sức bề bộn, ảm đạm, bùn nhầy và hôi hám. Túp lều chật chội thêm vì lượng khách nghỉ đêm khá đông. Hai đoàn chúng tôi vừa lên và đoàn Mountain Views I từ trên đỉnh xuống. Thêm vào đó, một số công nhân đang xây hồ chứa nước cũng nghỉ đêm trong túp lều. Những dụng cụ và thiết bị cần thiết của họ được dồn vào một góc phải, chiếm một diện tích không nhỏ. Nhưng chẳng hề chi! Có chỗ để chúng tôi nằm xuống, dù chật chội cũng là một thiêng đường. Ở cái chốn hoang vu này chúng tôi không có sự lựa chọn thứ hai.


Trại Hai

Khoảng 6 giờ 30 phút, các “đầu bếp” đã sẵn sàng bữa cơm tối. Khi các hướng dẫn viên leo núi thắp lên những ngọn nến bên những bình rượu đế đãi khách “cho ấm lòng”, thì tôi bắt đầu ngắm nghía và sửa soạn cho ba chúng tôi một chỗ ngủ. Cả ba đoàn leo núi dùng cơm tối cùng một lúc. Bữa cơm được chú Li chuẩn bị khá chu đáo, nhưng tôi chỉ thích món rau cải xào thịt bò, và tôi trung thành với nó cho đến cuối bữa cơm. Để làm vui lòng chú Li cũng như Đông, Vân và tôi đã nhấp vài ngụm rượu đế, chưa kịp ấm lòng, vừa nuốt vào, cổ họng tôi như muốn phát hỏa. Tôi tỏ ra bình thản một cách sành điệu sau đó uống nước lọc để tự thoát ra khỏi cảm giác khó chịu. Ở bên kia, hai khách leo núi từ đỉnh trở xuống lúc chiều là Pierre-Edward Marsden và Julien Chambon đang thưởng thức rượu đế Việt Nam. Họ khen không ngớt lời, bàn luận về cách người Việt Nam làm rượu đế với hướng dẫn viên Nam một cách am tường rồi uống một cách say mê. Sau món trái cây tráng miệng, chú Li pha cho chúng tôi mỗi người một tách trà. Tách trà thiếu mật o­ng, song, nó giúp ấm lòng tôi thật sự.


Chú Li (Porter) và Xuân Đông-cậu bé hướng dẫn viên leo núi

Sau bữa cơm tối, khách leo núi quây quần cùng nhau tán ngẫu. Tôi luôn bị chọc cười bởi cách nói chuyện tiếu lâm của hai cậu Arthur Ebbink và Marijn Lanting. Arthur rất có duyên trong những câu chuyện ma. Tiếc rằng chỉ có tôi và nhóm bạn leo núi người ngoại quốc theo dõi câu chuyện của cậu ấy, nếu có nhóm bạn Việt Nam hưởng ứng thì cuộc vui sẽ nhân lên gấp bội. Khi Vân, Hiếu và tôi lôi từ trong ba lô ra vài ve dầu nóng rồi bắt đầu “dỗ dành” đôi chân đang gần như muốn…liệt của mình, Marijin nhìn chúng tôi hỏi “có bao giờ cô nghĩ sau chuyến leo núi này, trở về các cô trở thành tàn phế không?” Tôi cười đến vỡ tung mọi sự tập trung suy nghĩ của tất cả thành viên leo núi và các hướng dẫn viên. Tôi lặp lại câu hỏi của Marijin bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Lại một trận cười no nê trước một sự thật phủ phàng rằng…không ai trong chúng tôi dám chắc ngày mai khi tiếp tục lên đỉnh chuyện gì sẽ xảy ra nếu đêm nay chúng tôi không ngủ.

Rồi khi màn đêm đòi lại sự yên tĩnh của nó, chúng tôi trao trả và đi tìm giấc ngủ. Càng về khuya càng lạnh. Cái lạnh chẳng dễ chịu chút nào. Tất cả chúng tôi điều mặc nhiều lớp áo và quần dài, mang tất để giữ ấm. Nằm trên đống hoang tàn và hỗn độn, tôi thật sự không thấy thoải mái. Sống cho đến bây giờ, tôi chưa từng trãi kinh nghiệm nào tựa như thế này cả. Mọi người dường như nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sâu sau một ngày “tự hành xác”. Còn tôi nằm đó, bất động nhưng không tài nào ngủ được. Một lúc sau, tôi bước ra ngoài tìm chỗ đi vệ sinh. Túp lều bên nhà bếp sáng lên bằng ánh lửa hồng. Đó là điểm sáng duy nhất giữa núi rừng hoang vu này. Có lẽ ai đó trong số các chú làm bếp và các porters của ba đoàn leo núi còn thức. Tiếng gió núi đêm khuya nghe ớn lạnh. Tôi nhìn quanh quẩn, Thung Lũng khoác lên mình chiếc áo sương mù. Bốn bề im ắng bên cạnh sự chuyển động của những tàn cây do tác động của gió núi. Tôi tập trung một cách cao độ như một người đang thực hiện bài tập Yoga để nghe tiếng thở của đêm. Hoang vắng và hoang vắng. Trên đầu tôi là ánh sáng của nghìn vì sao. Tôi bỗng chạnh lòng nhớ đến hai Thiên Thần bé bỏng của tôi, giờ này hai con tôi đang làm gì? Có lẽ đang ở nhà với bà Ngoại và chị Bé, đang làm thủ công hay xem một chương trình hoạt hình thiếu nhi nào đó, hoặc đang bay nhảy phía sau vườn. Không biết hai con yêu dấu của tôi có đang nhớ đến tôi không!? Tôi ước sao mình có thể ôm con vào lòng ngay lúc này, chắc chắn mọi mệt mõi ưu phiền sẽ tan biến, tôi sẽ trở nên mạnh mẽ hơn để “chiến đấu” và “chiến thắng” vào sáng mai. Tôi ngồi xuống tản đá bên đống lửa tàn ban chiều, khợi từng đóm lửa còn sót lại. Tôi bắt đầu suy nghĩ đến nhiều chuyện xảy ra cho tôi trong một ngày trôi qua, những chuyện khiến tôi phiền lòng và bất phục.

Suốt hành trình từ sáng tới chiều, tôi liên tục nhận những cú điện thoại của anh trai tôi từ Hoa Kỳ, rồi đến người anh trai ở Đà Lạt vừa về Quảng Ngãi thăm Cha cùng tôi, của chị Ba tôi đang tất bật với công việc ở dưới phố Quãng, đến cả những người bạn một thời Đại Học Đà Lạt thương yêu tôi vừa hạnh ngộ sau 17 năm biệt tin nhau ba ngày trước đó. Những cú điện thoại nhắc nhở tôi một điều giống nhau duy nhất, tôi cảm thấy mình bối rối và căng thẳng nhưng không có lời bình luận qua lại với họ. Họ lo lắng cho tôi, cứ như tôi sắp biến mất khỏi cuộc đời này, tất cả họ điều nghĩ về tôi như thế. Tựu trung, họ lo sợ tôi bò lên tới đỉnh rồi nhảy xuống vực tự tử. Vì sao cơ chứ!? Rồi tôi nghĩ đến cảm giác của Mẹ tôi đang ở Hoa Kỳ lo lắng cho sự mạo hiểm của con gái mình. “Mẹ! Con gái mẹ đang ngồi cô độc giữa núi rừng hoang giã và đang nghĩ về Mẹ đây, con biết Mẹ đang buồn và đau khổ vì con…nhưng con chỉ biết trình dâng hết mọi oan nghiệt đau đớn đời con vào lúc này lên cho Thiên Chúa, con xin lỗi Mẹ!” Tôi ngược dòng quá khứ, hình dung lại hơn 30 năm về trước, Mẹ tôi đã rời khỏi 8 chị em tôi ngược lên miền núi Sơn Hà xa xôi và có lẽ hẻo lánh như chốn hoang vu này đây để làm thuê, vất vả chắt chiu từng nhúm gạo đồng tiền, và mỗi tháng một lần, mẹ mang về miền xuôi cứu đói đàn con trong khi cha tôi phải nạp mình trong trại cải tạo để ”đền tội” vì Người Yêu Nước Thương Dân. Hình ảnh mẹ tôi ngày ấy hiện về trong tim tôi lúc này. Hình ảnh thân yêu đó nhấn chìm tôi trong suối nước mắt cô đơn pha lẫn sự bất mãn về nguyên nhân gây sốc cho Mẹ dẫn đến tình trạng sa sút về sức khỏe cho Mẹ tôi, và gây căng thẳng tinh thần cực độ cho tôi giữa lúc mà lẽ ra tôi cần được đón nhận những lời khích lệ an ủi cho hành trình chinh phục đỉnh núi vào sáng mai.


Photo by Tulip Phan Trà Giang

Tôi nhớ lại thái độ của người bạn đồng hành Thu Vân. Vân luôn theo sát nhóm leo núi người ngoại quốc, cố gắng với tộc độ nhanh nhất mà Vân có thể, nghĩa là dốc toàn sức mà đi, một thái độ điên rồ trong môn leo núi. Tôi rất lo cho Vân, vì Vân hoàn toàn không có sự hiểu biết gì về việc leo núi, Vân đi là do tôi mời và có thể nói, Vân đã vì tôi mà đi. Nhưng, thái độ luôn “dẫn độ” của Vân là có nguyên nhân, tôi biết. Đối phụ nữ chân yếu tay mềm như chúng tôi mà nói, leo núi là một việc khá điên rồ. Tôi vì lo lắng cho Vân và Hiếu, nên trước ngày bắt đầu nạp mình vào dãy Hoàng Liên Sơn, tôi đưa Vân và Hiếu lên Đỉnh Hàm Rồng, mục đích là để cho Vân và Hiếu thực tập trước khi thực hiện chuyến leo núi nghiêm túc. Tôi lo lắng vô cùng khi nhận thấy, Hiếu và Vân lúc nào cũng thở hổn hển khi bước lên từng bậc thang dẫn lên Đỉnh Hàm Rồng. Trong lòng tôi tỏ ra quan ngại. Tôi mời họ thực hiện chuyến leo núi cùng với tôi, nghĩa là nếu họ xảy ra chuyện gì tôi sẽ không sống được bình yên suốt quãng đời còn lại của mình. Trở về Khách Sạn Mountain View vào buổi chiều tối từ Đỉnh Hàm Rồng, tôi thấy bần thần và tự hỏi “Mình có nên để Vân và Hiếu mạo hiểm với mình không?”. Chợt cú điện thoại của người bạn Đào Hiền Đạo từ Sài Gòn gọi tới “nhớ đừng có nhảy núi nghe!”, tôi ngăn chặn sự bình luận về cái điều ngớ ngẩn của Đạo bằng cách nói về mối lo ngại của tôi. “Nếu ngày mai giữa hành trình, Vân và Hiếu không thể làm quen dần với hiểm trở và độ cao, mình sẽ nhờ hướng dẫn viên leo núi đưa Vân và Hiếu xuống núi cách an toàn, còn mình, sẽ tiếp tục lên đỉnh, quyết định này sẽ không thay đổi.” Cuộc đối thoại giữa chúng tôi Vân nghe được. Một chất xúc tác cực kỳ mạnh, Vân tự ái trong suốt cuộc hành trình và luôn tỏ ra dẫn đầu trong đoàn chúng tôi. Điều đó tôi hiểu và thông cảm cho tính cách và phản ứng bình thường của một con người, và của Vân cũng như Hiếu, nếu là tôi, có lẽ cũng sẽ điên rồ như thế. Song, tôi biết nếu chúng tôi có thể chinh phục đỉnh thành công, sau khi trở về, Vân nhất định sẽ gặp trở ngại về những chấn thương trong cơ thể, nhất là về cơ bắp liên quan đến xương đùi và xương chậu, cùng với bàn chân bị bỏng rát. Tôi âm thầm nhờ hướng dẫn viên leo núi Mai Xuân Đông theo sát Thu Vân mỗi chặn đường để bảo vệ cho người bạn của tôi. Phần tôi, kỹ thuật và kiến thức leo núi mà tôi tìm tòi đủ để có thể “làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ” cho Hiếu và cô bé Sinh Viên Thanh Hà cũng đang bị trưởng đoàn của cô bỏ rơi lại phía sau. Vân biết “bệnh phụ nữ” của tôi bỗng nhiên đến sớm hơn vài ngày, song, tôi không hề nói cho Vân và Hiếu biết trong cơ thể tôi, tình trạng máu đang hoàn toàn rối loạn, hay những áp lực mà tôi đã đối diện trong một ngày đã trôi qua như cơn ác mộng. Tôi không muốn họ lo lắng cho tôi.


Photo by Tulip Phan Trà Giang

Tôi hồi tưởng lại về thái độ của Minh Hiếu, đứa cháu gái của tôi. Tôi chuẩn bị cho chuyến đi trước khi Hiếu Tốt Nghiệp Đại Học Kinh Tế, ngoài chiếc điện thoại tôi mang về làm quà ra trường cho Hiếu, chuyến đi Tây Bắc chinh phục Fanxipan là món quà thứ hai tôi muốn khích lệ cháu tôi sau bao năm miệt mài đèn sách. Suốt hành trình, tôi để ý, cứ đến những hẻm núi hiểm trở, có bờ vực sâu hoắm là Hiếu chậm lại và trợn mắt lườm tôi. Cái lườm của Hiếu khẳng định không phải để giúp tôi hay khích lệ mà cũng chẳng phải diễn tả rằng Hiếu đang cần tôi giúp Hiếu điều gì. Hiếu thường quan sát tôi bằng cặp mắt của những tên cai ngục. Cứ như Hiếu đang theo dõi một tên tử tội đang tìm cơ hội nhảy xuống vực mà nếu may mắn thì được trốn thoát rồi sống trong tình trạng quái vật, còn xui xẻo thì trở thành linh hồn cô đơn giữa rặng núi linh thiêng. Một áp lực khốn khổ khốn nạn vô cùng, nó đeo bám lấy tôi cùng với những cú điện thoại tôi không hề mong đợi của bạn bè, và người thân đang tra tấn tôi như những câu thần chú nghe như quỉ ám khiến tôi có cảm giác nó sẽ thành sự thật “hãy nhảy xuống vực, hãy nhảy xuống vực” thay vì như họ tụng “đừng có nhảy xuống nghe”. Tôi tắt điện thoại để không phải nghe những cú phone hắc ám, nhưng khổ nổi, mỗi khi tôi mở điện thoại để xem giờ giấc sau từng chặn đường tôi di chuyển được thì điện thoại lại rung lên, lại là những thứ ngôn từ quỉ ám, chứng tỏ, họ canh nhau mà tra tấn tôi, cho đến khi nào họ nghe tôi trả lời mới thôi. Tôi bỏ lại tất cả sau lưng không một lời bình luận với họ, hay dù là hỏi lại một câu vớ vẩn “tại sao tôi phải nhảy xuống núi?”

 
 
Photo by Mai Xuân Đông

Tôi khẳng định, cái áp lực mà tôi phải gánh trong một ngày đã trôi qua, không bao giờ là ý muốn của Thượng Đế! Chúa đang đồng hành cùng tôi. Ngài sẽ bảo vệ cho tôi. Tôi chỉ cần biết như thế! Tôi rửa sạch những muộn phiền bằng nước mắt da diết nhớ Nguyệt Thy và Nguyên Chương, những muộn phiền cần phải biến mất, tuyệt nhiên chúng không thể đồng hành cùng tôi trong cuộc chinh phục đỉnh sáng mai. Bỗng tôi như nghe văng vẳng tiếng của con gái mình đang vừa chơi xích đu vừa âu yếm nhìn tôi bảo: ”Mẹ ơi! Mẹ sẽ chinh phục đỉnh thành công! Con sẽ cầu nguyện cho Mẹ!”

Ấy vậy mà lòng tôi bấy giờ vẫn còn là một mớ hỗn độn khi trở lại căn lều u ám giữa màn đêm.

Tôi sáng suốt, nếu sáng mai tôi còn ám ảnh bởi những sự điên rồ xảy ra cho tôi hôm nay, tôi sẽ chấp nhận thất bại và xuống núi ngay lập tức, không mạo hiểm lên đỉnh với tình trạng sức khỏe kém vì hồng huyết cầu giảm dần (do mất máu) cùng cái áp lực khốn nạn đả phá hành trình nghiêm túc của tôi trong một ngày đã qua.

Bước vào căn lều, tôi chẳng biết làm gì cho đến khi trời sáng. Tôi lôi cuốn tiểu thuyết Hoa Tulip Đen vừa mua mấy ngày trước đó ở Khu Hòa Bình Đà Lạt ra định đọc. Nhưng, thân thể rã rời, cơn nhức đầu lại trở nên nghiêm trọng, và nỗi ám ảnh của cái không khí ảm đạm bên trong căn lều thì dù có đọc đi đọc lại nhiều lần một trang sách, tôi chắc mình cũng chẳng nhớ nổi một câu. Không khí như có phần loãng đi ở độ cao 2800 mét trong cái lạnh về khuya. Tôi trở lại chỗ nằm bên tiếng thở không có gì là êm ả của Vân, Hiếu và một số khách leo núi khác. Tôi phát giác, hai cô nàng trở mình liên tục. Tội nghiệp! Vân và Hiếu chỉ ngủ được một “giấc mộng đầu” thôi, giờ là lúc hai cô nàng trãi nghiệm cảm giác của tôi. Tôi nhìn hai người bạn đồng hành lòng chợt muốn khóc. Họ đã vì tôi, rồi bây giờ đang nằm hành xác giữa núi rừng sâu thẳm thế này đây. Làm sao mà ngủ được, những chú chuột làm việc về đêm đang hì hục đục khoét, cãi vả nhau chí chóe vì những cuộc tranh chấp địa bàn khai thác lương thực ngay bên cạnh Vân và Hiếu. Cùng với cái lạnh gần như rét, Vân và Hiếu bắt đầu rơi vào giấc ngủ chập chờn. Nghĩ đến “trận chiến cuối cùng” của sáng mai, tôi cố bỏ xuống những muộn phiền đang nặng trĩu trong lòng một lần nữa, tôi nuốt trửng một viên thuốc an thần, rồi cuộn mình trong chiếc túi ngủ bị hỏng giây kéo, gối đầu lên chiếc ba lô, tôi bắt đầu thiết tha tìm cầu giấc ngủ. Vẫn không tài nào ngủ được, tôi đi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ (nhờ tác động của viên thuốc). Bên ngoài gió mạnh. Càng lúc càng mạnh hơn. Những âm thanh phát ra từ cơn gió núi cứ liên hồi dội vào căn lều. Cánh cửa hướng gió núi tựa một nỗi ám ảnh, vài phút thì đập mạnh vào căn lều rồi tự mở ra, cứ như có ai đó đang điều khiển nó, tạo nên một thứ âm thanh đầy ma quái, khiến tôi rùng mình nhớ lại những câu chuyện ma của cậu Arthur. Rồi tôi nhận thấy, không chỉ Vân và Hiếu, hầu như tất cả các khách leo núi điều liên tục trở mình trong chiếc túi ngủ của mình.

 
 
Photo by Mai Xuân Đông

Đêm trên chốn hoang vu, trong giấc ngủ mơ màng, tất cả chúng tôi điều cùng tương giao với bản hòa tấu được hòa âm kỹ lưỡng từ tiếng gió với những âm thanh nghe quái lạ chưa từng thấy, lắm lúc nghe như những oan hồn đang rên xiết giữa cái lạnh buốt của đêm dài.

Tobe Continued

 
2 bình luận

Posted by trên 10/15/2012 in Ký Sự

 

2 responses to “Hành Trình Chinh Phục “Nóc Nhà Đông Dương” (4)

  1. Hieu Huynh

    03/07/2013 at 01:34

    Dì ơi, từ nay con sẽ vào blog và đọc dì thường xuyên, cuộc sống bận rộn khiến con quên mất đi những thú vui thực sự của cuộc đời.
    Dì ạ! Ánh mắt con lúc dì cháu mình lơ lửng trên đỉnh núi nhìn dì giống cai ngục lắm hả dì? hihi. Nhưng dì ạ, đó là ánh mắt chứa chan tình yêu thương và sự quan tâm lo lắng mà con dành cho dì yêu quí của con, người mà con luôn ngưỡng mộ trong cuộc đời…!

     
    • Tulip Phan Trà Giang

      03/07/2013 at 08:10

      Biết nịnh Dì út quá ha! 🙂
      Dì đùa với con đấy, dì từ nhỏ ngưỡng mộ Mẹ của con cho đến bây giờ (và cho đến chết), một tấm gương sáng dì đã cố gắng noi theo! Dì út có làm gì đâu để con ngưỡng mộ, sự chịu đựng cũng thua xa Mẹ của con đấy con ạ! Hãy yêu mẹ con thật nhiều con nhé!

      Còn cái “ánh mắt” con ngày đó dì hiểu mà, con chẳng qua chỉ làm theo “chỉ đạo”, dì biết chứ, thương dì (nhưng bị lừa) nên mới “canh” dì kỹ vậy, nhưng vô tình lại mang đến áp lực nặng nề cho dì, không chỉ riêng con, mà mọi người trong gia đình và nhóm bạn 3A Đà Lạt cũng khiến dì tức chết đi được…nhưng dì không trách ai hết, tất cả chỉ bị…một cú lừa ngoạn mục, ngoạn mục như khúc núi ngoạn mục nhất khi hai dì cháu cố leo lên tới đỉnh…hihihihihihi..

       

TÁM (8) Nguyên Tắc Tham Gia Phản Hồi Và Quyền Của Tulip Phan Trà Giang.............. Bạn đọc phản hồi bài viết do Tulip đăng tải xin tuân thủ tám (8) nguyên tắc sau đây: (1) Để lại danh tánh rõ ràng. (2) Chỉ được dùng một (1) nickname và một (1) địa chỉ email duy nhất. (3) Phản hồi KHÔNG ĐƯỢC LẠC ĐỀ. (4) VIẾT BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. (5) Tránh dùng Tiếng Anh trong trường hợp có thể. (6) PHẢI có tính xây dựng, KHÔNG ĐƯỢC BÔI NHỌ CÁ NHÂN. (7) Từ ngữ PHẢI trong sáng. (8) Nội dung PHẢI rõ ràng và tích cực. Tất cả những phản hồi VI PHẠM bất kỳ nguyên tắc nào của Tulip Phan Trà Giang sẽ được xóa và chuyển sang spam mà không cần thông báo trước. Quản Trị Và Điều Hành Blog: Tulip Phan Trà Giang.